399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Xã hội
  • Tiến sĩ bị thu hồi bằng kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vắng mặt trong phiên xử

Tiến sĩ bị thu hồi bằng kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vắng mặt trong phiên xử

Không đồng tình với kết luận Bộ trưởng Bộ GD – ĐT về việc thu hồi bằng Tiến sĩ của mình, ông Hoàng Xuân Quế đã quyết định kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra tòa án hành chính TANDTP Hà Nội. Tuy nhiên, nguyên đơn đã vắng mặt với lý do đang điều trị bệnh.

Hoãn phiên tòa xét xử vụ ông Hoàng Xuân Quế bị thu hồi bằng Tiến sĩ kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Hoãn phiên tòa xét xử vụ ông Hoàng Xuân Quế bị thu hồi bằng Tiến sĩ kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Sáng nay, 4/8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ kiện trên, với nguyên đơn là ông Hoàng Xuân Quế và bị đơn là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – ông Phạm Vũ Luận đã ủy quyền cho người khác giải quyết vụ kiện.

Tại phiên tòa sáng nay, ông Hoàng Xuân Quế đã có đơn xin hoãn tòa với lí do, đang điều trị bệnh. Phía đại diện hợp pháp cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị Tòa tiếp tục cho mời một số người đại diện làm chứng như: Cục An ninh (A83), Thư viện Quốc gia, Thư viện trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Sau khi xem xét đơn của ông Hoàng Xuân Quế cùng với bệnh án phía bệnh viện gửi TANDTP Hà Nội, Chủ tọa phiên tòa đã quyết định hoãn phiên tòa và dự kiến phiên tòa sẽ được xét xử vào dịp khác.

Theo tài liệu, từ tháng 6/2013, Báo Nhân dân, Đại biểu Quốc hội, Ủy ban VHGDTNTN và NĐ của Quốc hội, chuyển cho Bộ GD&ĐT đơn tố cáo ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tác giả Luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2013 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” đã “đạo văn” tới 30% dung lượng Luận án tiến sỹ của ông Mai Thanh Quế, Học viên Ngân hàng với đề tài “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”

Sau khi nhận được đơn tố cáo, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc để xác minh. Theo đó lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ GD&ĐT, Hội đồng Chức danh giáo sư, Đại học Kinh tế Quốc dân… tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc theo thẩm quyền liên quan đến Luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Tổ xác minh đã cử cán bộ tới Thư viện Quốc gia Việt Nam sao chụp copy bản gốc luận án đang lưu trữ và đóng dấu giáp lai của thư viện vào bản copy 2 cuốn luận án tiến sĩ: Luận án tiến sỹ của Nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế bảo vệ năm 2013 tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” và Luận án tiến sĩ của Nghiên cứu sinh Mai Thanh Quế, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2002 tại Học viện Ngân hàng với đề tài : “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”.

Sau một thời gian dài xác minh và làm việc trực tiếp với Nghiên cưu sinh Mai Thanh Quế - tác giả luận án “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường” thì Nghiên cứu sinh Mai Thanh Quế xác nhận không có công trình nào nghiên cứu chung với ông Hoàng Xuân Quế; trong luận án tiến sĩ, không có nội dung nào sử dụng, trích dẫn các công trình nghiên cứu chung hoặc công trình nghiên cứu riêng của tác giả Hoàng Xuân Quế.

Tổ công tác xác định, luận án của Nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quên và Nghiên cứu sinh Mai Thanh Quế như sau:

Chương 1 và lời mở đầu, tổng số 56,6 trang, giống nhau 15 trang quy đổi, chiếm 26,5%; chương 2, tổng số 60,5 trang, giống nhau 7 trang quy đổi, chiếm 11,5%; chương 3, tổng số 45 trang, giống nhau 23 trang quy đổi, chiếm 51 %; Phần kết luận: 1,5 trang, giống nhau 0,3 trang quy đổi, chiếm 20%. Tính chung cả luận án: 163,5 trang, giống nhau 45,3 trang quy đổi, chiếm 27,7%. Ngoài ra, trong danh mục tài liệu tham khảo luận án tiến sĩ của NCS Hoàng Xuân Quế không có tài liệu nào của tác giả Mai Thanh Quế, có 42 tài liệu tham khảo giống với tài liệu tham khảo luận án tiến sĩ của Mai Thanh Quế, trong đó 12 tài liệu đầu tiên xếp số thứ tự hoàn toàn giống nhau.

Sau đó, tại buổi họp, ông Hoàng Xuân Quế đưa ra các tài liệu khác nhau để cho rằng mình bị “oan sai”…. Ngoài ra, ông Quế cũng đã nộp bản giải trình với các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT về các vấn đề liên quan đến vụ “đạo” luận án tiến sĩ này.

Tiếp theo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT quyết định thành lập Hội đồng xác minh luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế với các Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành.

Quá trình xác minh, Hội đồng nhận định: “Luận án của Hoàng Xuân Quế (bảo vệ năm 2013) có nhiều nội dung giống với luận án của Mai Thanh Quế (bảo vệ năm 2002). Ngoại trừ ở một vài nội dung, luận án của Hoàng Xuân Quế có cắt bỏ hoặc thay thế một vài chữ, cắt bỏ một vài dòng, một vài đoạn, còn lại phần lớn các nội dung giống nhau ở mức độ tuyệt đối, giống hoàn toàn, nguyên văn cả dấu chấm, dấu phẩy.

Hội đồng với 7/7 thành viên (100%) đều khẳng định luận án của ông Hoàng Xuân Quế có sao chép một phần từ luận án của ông Mai Thanh Quế. Các sao chép trong nội dung luận án của ông Hoàng Xuân Quế là không hợp pháp.

Sau đó, ngày 11/10/2013, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký quyết định số 4674 thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế. Quyết định này được căn cứ vào kết luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc xác minh đơn tố cáo đối với bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Theo đó, ông Hoàng Xuân Quế bị thu hồi bằng tiến sĩ do “sao chép lên đến 52,5/159 trang của luận án (khoảng 30,02%) từ luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng)”.

Không đồng tình với kết luận và quyết định thu hồi bằng tiến sĩ nói trên, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra TAND TP Hà Nội.