399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Sức khỏe
  • Nguy cơ mắc bệnh lang ben trong mùa hè

Nguy cơ mắc bệnh lang ben trong mùa hè

Khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam cùng với tình trạng ngập lụt xảy ra thường xuyên tại nhiều thành phố lớn khiến các bệnh da liễu gia tăng rõ rệt trong thời gian gần đây. Trong số đó, lang ben là một trong những bệnh nấm da dễ mắc phải nhất.

Nguy cơ mắc lang ben tăng cao trong mùa hè

 

Thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì, người chơi thể thao, người làm việc trong môi trường nóng ẩm… là những đối tượng dễ mắc bệnh lang ben nhất. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết nắng nóng mùa hè khiến làn da đổ mồ hôi, tăng tiết bã nhờn... tạo môi trường thuận lợi cho bệnh lang ben phát triển

 

Bệnh do vi nấm Pityrosporum ovale gây nên, có đặc tính rất dễ lây lan. Các bể bơi công cộng, phòng tập thể dục… là nơi ẩn chứa nhiều nguy cơ lây nhiễm thông qua việc tiếp xúc với nguồn nước, khăn tắm, dụng cụ thể thao có sẵn mầm bệnh. Nếu trong gia đình có người bị lang ben thì những thành viên còn lại cũng rất dễ bị lây bệnh.

 

Vô số phiền toái khi mắc bệnh

 

Những ai một lần bị lang ben mới hiểu được hết những phiền toái của căn bệnh nấm da này. Lang ben gây nên những vùng tổn thương là những dát trắng hoặc nâu ở nửa thân trên như cổ, ngực, lưng, mặt … khiến người bệnh cảm thấy ngượng ngùng, mất tự tin về vẻ bề ngoài. Khi đi ra nắng, người bệnh càng cảm thấy khó chịu bởi các vết lang ben ngứa ngáy râm ran như bị kim châm.

 

Một bệnh nhân ở Q12, TPHCM, bị lang ben đã gần hai năm, tâm sự về những nỗi khổ tâm mà chị phải đối mặt khi mắc phải bệnh nấm da này, chị Thu ngậm ngùi kể lại chị bị lang ben từ mùa hè năm ngoái. Trong giai đoạn đầu, trên vai chị có những đốm da nhạt màu nhưng chị khá chủ quan, cho rằng những vết này sẽ tự động khỏi sau vài ngày. Đến khi những đốm lang ben bắt đầu lan lên vùng mặt và cổ, chị mới thật sự lo lắng. Vùng lưng và cổ bị lang ben khiến chị đành phải nói lời tạm biệt với những chiếc áo hai dây và những chiếc váy hở lưng gợi cảm. Tệ hơn nữa những vết lang ben lây lan dần lên phía mang tai và má khiến chị mặc cảm, tự ti vô cùng trước những cái nhìn ái ngại của bạn bè, đồng nghiệp xung quanh.

 

 

Những đốm lang ben bên trên khuôn mặt và người của chị Thu
Những đốm lang ben bên trên khuôn mặt và người của chị Thu

 

 

Điều trị toàn diện và đúng cách

 

Để điều trị bệnh lang ben, người bệnh cần điều trị đúng cách ngay từ ban đầu. Những trường hợp tự ý chữa trị bằng thuốc trị nấm da phối hợp corticoid, hoặc bằng các phương pháp dân gian có thể gây nhiều tác dụng phụ và biến chứng trên da, khiến bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.

 

Ngay từ khi phát hiện những vết lang ben nhỏ trên da, người bệnh có thể dùng kem bôi có chứa thành phần Ketoconazole, miconazole, terbinafine … thoa trực tiếp lên vùng tổn thương. Trong trường hợp lang ben lây lan trên diện tích lớn và ở vị trí khó thoa thuốc như lưng, gáy…, người bệnh có thể tắm bằng dầu gội hoặc sữa tắm có chứa Ketoconazole 2% trong 5 ngày liên tiếp để tăng hiệu quả điều trị.

 

Bên cạnh đó, người bệnh cần thường xuyên thay đổi quần, áo, mùng, mền…, giặt giũ đồ dùng cá nhân bằng nước nóng. Quần áo phải phơi khô hoàn toàn dưới nắng, tuyệt đối không mặc đồ ẩm ướt nhằm ngăn chặn vi nấm phát triển.

 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

 

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bích Liên tại Bệnh viện Da liễu Tp.HCM, để phòng bệnh lang ben, cần lưu ý những việc sau:

 

- Không mặc đồ ẩm hoặc đồ quá chật, chọn mặc các loại vải thông thoáng dễ thoát mồ hôi.

 

- Vệ sinh da sạch sẽ sau khi vận động, khi ra nhiều mồ hôi trong thời tiết nóng.

 

- Giặt giũ quần áo, giường chiếu sạch sẽ, thường xuyên để diệt trừ mầm mống gây bệnh.

 

- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác để tránh lây bệnh.